Công thức làm món bánh đúc nóng ngon mê mẩn trong mùa Đông
Khi những cơn gió mùa gào rít trên từng ngọn cây, từng cơn lạnh ùa về cũng là lúc chúng ta tìm tới những món ăn ấm nóng. Thật thiếu sót làm sao nếu không kể đến Bánh đúc nóng – thức quà xứ Hà Thành từng làm bao người xuyến xao lúc đông sang.
Bánh đúc nóng là món ăn phổ biến với người dân thủ đô. Thức quà dẻo thơm, vừa miệng, thơm nồng và nóng hôi hổi. Cầm trong tay bát bánh đúc nóng còn bốc hơi, xúc từng thìa nhỏ tan ngay trong miệng, thực khách sành ăn nhất cũng buộc phải siêu lòng.
Không cần phải tới thủ đô để thưởng thức món ăn đặc biệt này, bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà mà vẫn thơm ngon vừa miệng miễn chê. Hãy cùng Cẩm nang ăn uống khám phá thức quà dành riêng cho mùa đông này nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
Phần bánh đúc
- 200g bột gạo tẻ
- 200g bột năng
- 1,2 lít nước
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 60ml dầu ăn
- 30ml dầu mè
Phần thịt xào
- 400g thịt lợn
- 20 g mộc nhĩ (nấm tai mèo)
- 20g nấm hương khô
- 40g hành lá
Nước chấm chua ngọt ăn kèm
- 100ml nước mắm
- 50ml nước cốt chanh
- 100g đường
- 3g muối
- 3g tiêu
- 2 củ tỏi
- 3 trái ớt
- 100g rau mùi
- 100g hành tím
Tiến hành làm bánh đúc nóng
Làm phần bánh đúc
Bước 1: Pha bột
Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị ở bước pha bột: bột gạo tẻ, bột năng, nước, muối vào một cái nồi lớn, khuấy cho tan hết.
Lọc hỗn hợp qua rây để tránh bột bị vón cục. Đậy nắp để không có côn trùng hay bụi bẩn lọt vào rồi yên hỗn hợp trong vòng 2 tiếng cho bột lắng xuống đáy.
Sau khi phần bột lắng xuống đáy, ta tiến hành đổ hết phần nước ở trên bề mặt đi. Sau đó tiếp tục thêm đúng lượng nước đã đổ đi và khuấy đều lên.
Để bánh có độ dai, ta để tỷ lệ bột gạo tẻ và bột năng bằng nhau. Nếu muốn bánh dai hơn nữa thì có thể tăng tỷ lệ bột năng lên.
Bước 2: Nấu bột
Sau khi thay nước, ta tiến hành bắc hỗn hợp bột đã ngâm lên bếp và dùng cây đánh trứng (có thể thay bằng đũa dài nhưng sẽ tốn sức và phải đánh liền tay) để bột nhanh mịn.
Đun trên lửa vừa cho đến khi bột bắt đầu đặc sệt lại, thì hạ nhỏ lửa lại, liên tục khuấy đều tay để tránh bột bị cháy ở đáy nồi.
Khuấy đến khi thấy nặng và ngả màu trắng đục thì thêm vào dầu ăn, dầu mè đã chuẩn bị trước. Tiếp tục khuấy đều đến khi bột mịn, dẻo, dính, có thể kéo thành sợi.
Nếu không muốn ăn đặc, ta có thể cho thêm nước và tiếp tục khuấy đến độ dẻo như ý muốn.
Làm phần thịt nấm ăn kèm bánh đúc nóng
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm phần thịt ăn kèm
Ngâm nấm hương, mộc nhĩ trong nước nóng ( 2 – 3 phút) sau đó rửa sạch, loại bỏ chân và băm nhỏ.
Thịt với hành lá cũng được rửa sạch, băm nhỏ. Trộn đều thịt, hành lá, nấm hương, mộc nhĩ với nhau.
Hành tím bóc vỏ, thái lát.
Rau mùi, tỏi, ớt cũng tiến hành rửa sạch, thái nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Xào thịt ăn kèm
Phi hành khô đến khi vàng giòn và thơm thì vớt ra, để ráo dầu.
Vẫn sử dụng dầu xào hành khô, cho hỗn hợp thịt, hành lá, nấm vào đảo đều. Đến khi thịt vàng, săn lại, ta nêm nếm gia vị sao cho vừa khẩu vị gia đình.
Pha nước mắm
Cho chanh, đường, nước vào theo tỷ lệ 1:1:1, 4 thìa nước mắm và gia giảm theo khẩu vị. Sau đó thêm tỏi, ớt băm vào.Bạn cho vào bát bao gồm chanh, đường, nước theo tỉ lệ 1:1:1, khuấy tan đường rồi thêm từ từ nước mắm cho vừa khẩu vị của gia đình bạn.
Thưởng thức
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ thành phần, bánh đúc sẽ được múc ra bát, thêm phần thịt nấm xào, cùng hành khô, rưới lên nước mắm chua cay. Nếu có thể ăn rau mùi, hãy cho thêm vào bát để món ăn thơm ngon, dậy vị.
Sau đó hãy thong thả dùng thìa xúc từng miếng bánh đúc lên, cảm nhận được hơi ấm và vị ngon của thức quà lan từ miệng xuống bụng, xua tan đi khí lạnh của trời đông.